CÂU LẠC BỘ BRIDGE “NHỮNG NGƯỜI BẠN”

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH, PHÁT TRIỂN VÀ GIỚI THIỆU MÔN CHƠI

CLB Bridge “Những Người Bạn” là sự thừa kế của CLB “Những Người Bạn” được thành lập tháng Tư năm 1979.

Đó là giai đoạn sau sự kiện 17 tháng 2 năm 1979, khi hơn nửa triệu quân bành trướng phương Bắc tấn công Việt Nam và phải chịu thất bại. Sinh viên các trường đại học của Hà Nội tập trung xây dựng Phòng tuyến Sông Cầu. Sau những giờ lao động mệt nhọc các bạn trẻ đã giải trí bằng môn bài “Càn” (tức là Bài “Bách phân”, được chơi rất phổ biến ở Trung Quốc) do một cựu Tình nguyện quân Việt Nam (đã chiến đấu những năm 1972 – 1974 ở Cánh Đồng Chum – Xiêng Khoảng, Lào) truyền bá.

Hơn 1/3 thế kỉ trước, đất nước ta còn rất khó khăn do vừa bước ra khỏi hai cuộc chiến tranh liên tiếp kéo dài gần 30 năm nên không chỉ điều kiện sống mà cả cả điều kiện vui chơi giải trí cũng rất hạn chế. “Bài Càn” đã đáp ứng được nhu cầu giải trí tinh thần của giới sinh viên.

Đó là một môn thể thao đòi hỏi nhiều phẩm chất trí tuệ (như sự suy luận lô-gich, trí nhớ, kiến thức về lí thuyết xác suất) nên rất phù hợp với các bạn sinh viên. Hàng trăm bạn trẻ, cả nam và nữ, tham gia và Câu lạc bộ “Những Người Bạn” hình thành từ đó. Trong lịch sử hoạt động của mình, CLB đã tổ chức hàng chục giải thi đấu, giúp các bạn trẻ có một món ăn tinh thần bổ ích.

Tháng 10 năm 1981, CLB tiếp nhận môn Bridge do một sinh viên học ở Bulgari truyền bá. Do đã có những kĩ năng cần thiết nên các thành viên của CLB đã tiếp nhận môn chơi mới với sự hào hứng và tiến bộ rất nhanh. Bài Càn và Bridge có một số sự tương đồng (và khác hẳn các môn chơi bài khác phổ biến ở Viêt Nam) nên có thể nói Bài Càn là chiếc cầu nối các bạn sinh viên với Bridge.

Bridge là môn thể thao trí tuệ được Ủy ban Ô-lim-pích Quốc tế (IOC) công nhận và có trong chương trình thi đấu của Giải Vô địch Thế giới các môn Thể thao Trí tuệ lần thứ nhất (1st World Mind Sports Games, viết tắt WMSG) – cùng Cờ Vua, Cờ Tướng, Cờ Vây – tổ chức ở Bắc Kinh từ ngày 3 đến 18 tháng 10 năm 2008 và sau đó là tại 2nd WMSG năm 2012. Trước đó, từ năm 1960 đến năm 2004, môn Bridge được tổ chức riêng (bốn năm một lần) trong khuôn khổ Ô-lim-pích Bridge Quốc tế (tiếng Anh “World Team Olimpiad”).

Tại Sea Games 26, Indonesia (năm 2011), Bridge là môn thi đấu chính thức.

Đó là môn chơi với bộ bài 52 cây mà dân ta vẫn dùng để đánh “phỏm”…

Bridge chơi theo nguyên tắc “ăn nước” (tiếng Anh trick-taking), các bên cố gắng  ăn nhiều “nước”. Bên nào ăn được số nước như đã tuyên bố khi rao giá là thắng. Nguyên tắc này đối lập với “ăn điểm” (“Ù Q xâm lược”) hoặc “liên kết” (như “Xì Tố”, Poker, hoặc Binh Xập xám, Tá lả…). Một số trò chơi khác kết hợp cả hai nguyên tắc “ăn nước” và “ăn điểm” trong đó yếu tố điểm quyết định thắng thua (như “Bách phân” của Trung Quốc, ở Việt Nam gọi là “Bài Càn”, Bê-Lốt của Bulgari…) hoặc kết hợp nguyên tắc “liên kết” và “ăn nước” như Tam cúc…

  Bridge xuất hiện vào cuối thế kỉ XIX, có nguồn gốc từ Whist (một số nguồn tư liệu cho biết Whist là của người Nga). Ban đầu nó được chơi chỉ với bốn đấu thủ, chia làm hai đôi thi đấu đối kháng, và có tên là Rubber Bridge hay Bridge Rô-ber (vì mục đích là thắng được Rubber). Harold Stirling Vanderbilt (người Mỹ, 1884 – 1970)  đã thay đổi cách tính điểm và phương thức thi đấu (năm 1925) để Bridge có diện mạo như ngày nay và từ đó xuất hiện cách gọi Contract Bridge (tiếng Việt là Bridge Hiệp ước). Duplicate Bridge (tiếng Việt là Bridge Thể thao) là tên gọi của Bridge Hiệp ước khi mỗi ván bài được chơi ở hai hay nhiều bàn.

Liên đoàn Bridge Thế giới (World Bridge Federation, viết tắt WBF) thành lập năm 1958. Chủ tịch hiện tại của WBF từ tháng 10 năm 2010 là ngài Gianarrigo Rona người Italia. WBF gồm 123 Tổ chức Bridge Quốc gia (viết tắt tiếng Anh NBO) với khoảng 700.000 thành viên (số liệu năm 2011). Nhiều nhân vật nổi tiếng cũng đam mê Bridge trong đó có ông Winston Churchil và bà Margaret Thatcher (hai cựu Thủ tướng Anh), ông Đặng Tiểu Bình (chính khách Trung Quốc Cộng sản), Omar Shariff (diễn viên điện ảnh Ai Cập), Bill Gates… Trong khu vực Đông Nam Á các nước Indonesia, Singapore, Malaisia, Thailand, Philippines là thành viên WBF (Khu vực 6 – Liên đoàn Bridge Châu Á-Thái Bình Dương).

Những điểm tương đồng lớn nhất giữa Bài Càn và Bridge là có quá trình rao giá để xác định hiệp ước và bên thực hiện hiệp ước. Trong giai đoạn đánh bài điểm tương đồng là nguyên tắc “ăn nước” và phải “ra đúng chất của cây cái” khi còn chất này.

Hai nguyên tắc nêu trên là khác biệt cơ bản của Bài Càn và Bridge với các môn chơi dùng bài khác (chỉ Tam Cúc có nguyên tắc “ăn cây” là gần giống và ra đúng liên kết của người có cái).

Giữa Bài Càn và Bridge thì khác biệt cơ bản là quá trình rao giá, cách tính thành tích và đặc biệt là thể thức thi đấu với việc mỗi ván bài được đánh nhiều lần bởi những đấu thủ khác nhau.

Bridge có quá trình rao giá nhiều vòng với rất nhiều giá trong khi Bài Càn chỉ rao giá trong một vòng và mỗi giá chỉ có một yếu tố cấu thành.

Nếu Bài Càn chú trọng nhiều đến số điểm trong mỗi nước thì Bridge lại chỉ tính kết quả dựa trên tổng số nước ăn được của mỗi bên, bất kể đó là nước đầu tiên hay nước cuối cùng.

Cách tính điểm của Bridge mới chính là yếu tố khiến nó nổi bật giữa hàng ngàn kiểu chơi bài trên thế giới để được Ủy ban Ô-Lim-Pich Quốc tế công nhận là môn thể thao trí tuệ (Mind Sport), sánh vai cùng Cờ Vua, Cờ Tướng và Gô. Nếu ở các kiểu chơi bài khác yếu tố may mắn có vai trò quyết định (“hay không bằng hên” là câu nói cửa miệng của những người chơi bài) thì với Bridge nó hầu như vô nghĩa. Trong thể thức “đôi” mỗi ván bài được đánh ở nhiều bàn bởi nhiều đấu thủ (trong thể thức “đồng đội” nó được đánh trên hai bàn), kết quả trên mỗi bàn được đem so sánh rồi mới tính điểm các đôi ở ván bài đó. Như thế sự may mắn đã bị loại trừ.

Hiện nay các thành viên CLB luyện tập và thi đấu vào các chiều chủ nhật tại Thành phố Hồ Chí Minh. CLB tổ chức các lớp huấn luyện căn bản và nâng cao tùy theo trình độ của từng đấu thủ.

Ban lãnh đạo của CLB gồm chủ tịch là ông Nguyễn Hữu Đạt (điện thoại 0903905941, email datnh1955@gmail.com), thư ký là ông Nguyễn Anh Sơn (điện thoại 0977711911, email anhthu2162002@yahoo.com) và một số ủy viên.

Rất hân hạnh được đón tiếp những người yêu thích Bridge cùng tham gia.

                                    Ban Lãnh đạo Câu lạc bộ Bridge “Những người bạn”